na
Chúc mừng năm mới 2025 xuân ất tỵ
Trao đổi kinh nghiệm
Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn khi tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
28/06/2022 09:26:24

Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương phối hợp với Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”

Những thách thức

Công đoàn Việt Nam trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam và là tổ chức duy nhất đại diện cho đoàn viên và người lao động trong cả nước.

Bối cảnh mới hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải nghiên cứu và đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn cho phù hợp với việc thực các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những quy định tại Bộ luật Lao động 2019 về sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Theo ông Đỗ Huy Chuyên, Phó chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh: Sự xuất hiện của tổ chức của NLĐ tại DN ngoài CĐVN có nguy cơ làm tăng chậm, thậm chí giảm số lượng đoàn viên cũng như số lượng công đoàn cơ sở (CĐCS). Công tác phát triển đoàn viên, CĐCS sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện NLĐ khác. Nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của CĐVN có nguy cơ giảm sút, tài chính của các cấp công đoàn có thể bị giảm mạnh. Nếu không có nguồn lực đủ mạnh tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ không phải là đoàn viên sẽ bất lợi trong cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ mới thành lập gia nhập tổ chức CĐVN. Tình hình nêu trên dự báo tác động sâu sắc đến tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn, đòi hỏi CĐVN phải đổi mới toàn diện.

Giải pháp nào?

Các đại biểu đề xuất một số giải pháp, trước hết là xác định nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cấp trên cơ sở, như: cần phải đổi mới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn để có giải pháp giúp họ nắm bắt nhanh hơn, nhiều hơn về kỹ năng làm việc và công tác công đoàn; thực hiện chức năng chính đại diện – bảo vệ - chăm lo; tập hợp đội ngũ và xây dựng tổ chức công đoàn; tài chính công đoàn; công tác tổ chức cán bộ công đoàn…

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Tứ Kỳ đưa ra giải pháp: Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng về cơ sở, coi trọng công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cấp cơ sở; kiên quyết chống quan liêu, hình thức và bệnh thành tích…

Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Miện cho rằng: Khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức công đoàn sẽ phải cạnh tranh với nhiều tổ chức bảo vệ lao động khác, vì thế cần phải tỏ rõ vai trò, trách nhiệm và tạo niềm tin cho công nhân, lao động; hỗ trợ kịp thời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho công nhân, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần bồi dưỡng, giới thiệu và kết nạp đoàn viên ưu tú vào Đảng; Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động; đẩy mạnh công tác xã hội công đoàn…

Thực tiễn này đòi hỏi Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Sắp xếp bộ máy Công đoàn các cấp bảo đảm tinh gọn, linh hoạt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ phải chuyên nghiệp hơn, được đào tạo căn bản hơn, trang bị kỹ năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; mỗi cán bộ công đoàn phải có giải pháp để đem lại lợi ích cho người lao động.