na
Chúc mừng năm mới 2025 xuân ất tỵ
Trao đổi kinh nghiệm
Thực trạng các khu nhà trọ, ký túc xá của CNLĐ ở Hải Dương: Bức thiết nhà ở cho công nhân
28/06/2022 09:21:56

Tính đến hết quý II/2021, tỉnh Hải Dương có trên 14.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 112.000 tỷ đồng, hàng năm giải quyết việc làm mới cho từ 34.000 đến 35.000 lao động. Tổng số CNLĐ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 326.000 lao động, trong đó số lượng CNLĐ trong các khu công nghiệp khoảng 110.000 công nhân (chiếm 29,64%). Tỉnh Hải Dương hiện có 11 KCN đang hoạt động thu hút được 308 dự án đầu tư của các nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng, lãnh thổ trong các KCN với tổng số vốn đầu tư đăng ký ước tính 5,1 tỷ USD. Hiện có 260 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất (đạt tỷ lệ 84,7%), là một trong những nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH của tỉnh.

 

Công đoàn các Khu Công nghiệp tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho CNLĐ khu nhà trọ thôn Lê Xá, Cẩm Phúc, Cẩm Giàng
Thực trạng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32.067 CNLĐ đang ở trọ, tập trung chủ yếu ở các địa bàn: Cẩm Giàng: 14.500 CNLĐ; TP Hải Dương: 11.152 CNLĐ; Kim Thành: 4.495 CNLĐ; Tứ Kỳ: 478 CNLĐ, Kinh Môn: 451 CNLĐ; Bình Giang : 405 CNLĐ; các huyện còn lại, mỗi huyện ít hơn 100 CNLĐ. Phần lớn CNLĐ ở trọ là công nhân ngoại tỉnh (31. 802 CNLĐ, chiếm 96,9%) có thu nhập trung bình và phải thuê nhà trọ với điều kiện sống kém, chất lượng thấp, không đảm bảo các điều kiện môi trường sinh hoạt và sức khỏe cho NLĐ. Hầu hết nhà cho công nhân thuê trọ là nhà cấp 4 với tường gạch mái ngói hoặc mái tôn, tường ngăn xây gạch hoặc ván ép; mật độ xây dựng rất dày, lối đi chật hẹp, không có khoảng trống hoặc sân, vườn; diện tích mỗi phòng từ 9 - 15m2/phòng, cho từ 2-3 CNLĐ thuê. Hiện nay, việc thiếu nhà ở cho CNLĐ gần các khu công nghiệp khiến cho cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp cũng khó giữ chân người lao động lâu dài. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 DN đã chủ động xây dựng nhà ở, nhà ký túc xá cho CNLĐ. Tiêu biểu là: Công ty Brother Việt Nam, có khu ký túc xá dành cho công nhân với 4 tòa nhà 5 tầng cho 3.000 CNLĐ; Công ty xi măng Phúc Sơn (Kinh Môn) xây dựng nhà ở cho một số hộ gia đình với diện tích 30 - 40m2/căn; Công ty TNHH Long Hải đã xây dựng được 30 phòng cho 240 CNLĐ ở; Công ty May quốc tế Phú Nguyên – cụm công nghiệp An Đồng xây dựng chung cư 3 tầng có 96 phòng ở cho CNLĐ; Công ty Cổ phần Đại An đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, gồm 2 chung cư 5 tầng với 32 căn hộ khép kín, diện tích 100m2/căn nhưng không có CNLĐ thuê...Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không bố trí, xây dựng nhà ở cho CNLĐ mà người lao động phải tự lo chỗ ở tại gia đình hoặc ở trọ trong khu dân cư gần nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.

Bức thiết nhà ở công nhân

Cũng theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 32.000 công nhân lao động đang ở trọ tại một số địa phương, như: Cẩm Giàng, TP Hải Dương, Kim Thành...Sống xa quê, người gần nhất cũng là ở các huyện trong tỉnh và thậm chí là các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Sơn La…họ về Hải Dương để xây dựng gia đình và lập nghiệp. Chấp nhận cuộc sống “ly nông, ly hương”, mang theo ước mơ về một công việc với thu nhập cao và ổn định để có tiền gửi về giúp gia đình, dẫu rằng cuộc sống của mình nơi thành phố cũng còn khá bấp bênh. Hiện họ đang phải sống trong những khu nhà trọ tạm bợ được xây dựng san sát nhau với diện tích từ 9 - 15m2/phòng. Do đời sống khó khăn nên họ phải ở ghép 2 – 3 người một phòng. Đặc biệt, phần lớn công nhân là lực lượng lao động trẻ, chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ, thì lại chưa có nhà trẻ trong khu công nghiệp; đó là chưa kể đến vấn đề an ninh ở các khu trọ còn khá phức tạp.

Tại Thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng....thường sau 19h, các khu nhà thuê trọ dành cho công nhân mới sáng đèn…Với 220 hộ dân có nhà trọ, nơi đây thường xuyên có hơn 4.000 công nhân đăng ký tạm trú…

Gian phòng trọ cấp 4 rộng khoảng 10m2 này đã trở thành tổ ấm trở về sau những giờ tan ca vất vả của cặp vợ chồng Trịnh Thị Bích và Lang Văn Năng công nhân công ty TNHH Sankyu. Năm 2012, chị Bích, anh Năng đã mang theo con trai 5 tuổi rời quê hương Thanh Hóa để về Hải Dương lập nghiệp. Sau 9 năm cuộc sống của anh chị vẫn không thay đổi nhiều...vẫn căn phòng trọ cũ kỹ khoảng 10m2 với những bữa cơm đạm bạc...và nỗi lo cơm áo gạo tiền và nhà ở khi đứa con thứ 2 ra đời...

Chị Trịnh Thị Bích - Công ty TNHH Sankyu, KCN Tân Trường: . Gia đình anh có 2 vợ chồng và 2 con, từ khi con lên cấp 2, gia đình anh phải thuê thêm 1 phòng với giá 450.000đ/ tháng. Như vậy 1 tháng 2 vợ chồng phải trả hết gần 1 triệu đồng tiền nhà. Trong khi đó phòng đều tạm bợ, phải đi vệ sinh chung. Những ngày hè oi bức phòng trọ không khác gì “chảo lửa”. "Vợ chồng tôi là công nhân, thu nhập không cao nên không có điều kiện thuê nhà ở những nơi có điều kiện tốt". “Không biết đến bao giờ chúng tôi mới có tiền để ở những căn phòng rộng, giá rẻ", anh nói.

Cùng chung cảnh ngộ như vợ chồng chị Bích - anh Năng, nhiều công nhân lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn khi phải đi thuê trọ.

Chị Nguyễn Thị Minh - Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam, KCN Phúc Điền đã phải chuyển nhà trọ nhiều lần. Trước đây, phòng trọ chị ở không có nhà vệ sinh bên trong, nay chị thuê được phòng có công trình phụ khép kín nhưng diện tích hẹp. Trong gian phòng trọ chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, chị không thể thu xếp gọn gàng đồ đạc, luôn lo lắng phải tìm một chỗ ở khác phù hợp hơn. : Mong muốn lớn nhất của công nhân chúng tôi đó là có 1 căn nhà nhỏ để an cư, có nơi gửi con an toàn, như vậy chúng tôi với thực sự yên tâm làm việc Chị Minh nói:

Theo kết quả khảo sát, thu nhập từ lương cơ bản và lương làm thêm giờ của người lao động đạt bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, họ phải chi tiêu trung bình 6 triệu đồng/tháng cho nhu cầu tối thiểu, trong đó nhà ở, điện nước là 1 triệu đồng. Thực tế này lý giải tại sao công nhân muốn làm tăng ca để thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Cùng với các doanh nghiệp được thành lập mới và mở rộng quy mô sản xuất, kéo theo số lượng công nhân cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên, thực tế nhà ở cho công nhân, điều kiện sinh hoạt hàng ngày và nơi gửi con nhỏ...Cùng với đó là các vấn đề như: quyền lợi, các chế độ bảo hiểm; an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề quy chế dân chủ, thiết chế văn hóa…vẫn còn nhiều vướng mắc. Sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của công đoàn và nhiều chủ doanh nghiệp có trách nhiệm chính là chìa khóa được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt tháo gỡ những khó khăn cho người lao động.

Thực tế đã chứng minh, vấn đề nhà ở cho công nhân tại các KCN, cụm công nghiệp là yêu cầu bức thiết. Ở đâu đời sống và nhà ở được đảm bảo thì sẽ thu hút đông người lao động đến làm việc và hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ đảm bảo. Đại dịch Covid – 19 vừa qua đã minh chứng điều này. Công ty TNHH Brother Việt Nam chỉ là 1 trong số 14 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng nhà ở cho công nhân lao động...Còn lại, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không bố trí, xây dựng nhà ở cho CNLĐ mà người lao động phải tự lo chỗ ở tại gia đình hoặc ở trọ trong khu dân cư nơi doanh nghiệp đóng trụ sở.

Chị Đặng Thị Son - quê Cao Bằng công nhân công ty TNHH Brother Việt Nam, KCN Đại An thực sự cảm thấy may mắn khi được công ty bố trí ăn nghỉ ngay trong KTX công ty. Điều này đã giúp chị Son thuận tiện trong sinh hoạt và làm việc kể cả khi dịch Covid – 19 có diễn biến phức tạp đã khiến hàng nghìn công nhân trong KCN phải nghỉ việc vì giãn cách xã hội. “Được ở trong KTX của công ty vừa tiết kiệm được tiền, an toàn về an ninh lại đầy đủ về điều kiện sinh hoạt. Đây là một trong những điều kiện để tôi lựa chọn ở lại lâu dài với công ty” Chị Son nói.

Có thể thấy, nhờ có KTX cho công nhân lên trong đợt dịch Covid – 19 vừa qua, công ty TNHH Brother Việt Nam vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch với phương châm “3 tại chỗ”.

Cần quan tâm đúng mức

Theo Sở Xây dựng, một số khu công nghiệp đã có quy hoạch làm nhà ở cho công nhân. Đó là dự án nhà ở cho công nhân trên địa bàn phường Ái Quốc, các khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương), Tân Trường (Cẩm Giàng)...

Tại khu đất ở phường Ái Quốc nhà đầu tư mới xây dựng được 1 dãy nhà 5 tầng với 82 căn hộ (dự án có 9 dãy nhà với 738 căn hộ), tỷ lệ người vào ở đạt khoảng 70%. Ở khu công nghiệp Đại An, Công ty CP Đại An xây dựng 1 tòa nhà 5 tầng, diện tích sàn 4.300 m2, chưa có người lao động vào ở. Nguyên nhân các khu nhà ở này chưa thu hút được lao động chủ yếu là do giá quá cao. Có căn vài trăm triệu, thậm chí gần 1 tỷ đồng, chỉ có chuyên gia, cán bộ mới có khả năng mua.

Dự án tại khu công nghiệp Tân Trường, UBND tỉnh đã giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện đề án của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về xây dựng khu nhà đa năng dành cho công nhân trong các khu công nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa khởi công.

Để giải quyết vấn đề nói trên, trước hết cần chính sách hỗ trợ trực tiếp về nhà ở cho người lao động, có cơ chế để các nhà đầu tư chú trọng phát triển các dự án nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp như công nhân, lao động. Đối với các dự án nhà ở cho công nhân, nên đầu tư đồng bộ, bảo đảm cả chỗ vui chơi, giải trí và học tập cho con em công nhân.

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng), sở đang tham mưu cho UBND tỉnh lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện và xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để thu hút lao động về làm việc.

Đầu tháng 10 vừa qua, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu đã làm việc với Ban Dân vận Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương về kế hoạch khảo sát, đánh giá tình hình đời sống, việc làm, nguyện vọng của công nhân đang ở các khu nhà trọ. Đồng chí yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế tốt nhất để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc này sẽ mở ra cơ hội cho công nhân hiện thực hóa ước mơ có nhà ở với giá rẻ.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định trong thời gian tới, trụ cột quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh sẽ lập thêm nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại Hải Dương sẽ tăng lên nhiều. Điều đó đặt ra cho tỉnh những vấn đề cấp thiết cần phải khảo sát, nghiên cứu để có những giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ nút thắt, phát triển nhà ở cho CNLĐ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng “ an cư lạc nghiệp ” , thu hút và giữ chân lâu dài được nhiều lao động, nhất là lao động ngoài tỉnh đến Hải Dương sinh sống và làm việc.