Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều người lao động chọn nghỉ việc, chuyển công việc mới. Ảnh: Phương Minh.Để thông tin chi tiết hơn, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe Vũ Thuỳ Trang (Đoàn LS TP Hà Nội) sẽ cùng trao đổi về vấn đề này.
PV: Người lao động có nhu cầu chuyển việc sau Tết cần phải báo trước cho công ty bao lâu và qua hình thức nào thưa bà?
Bà Vũ Thuỳ Trang: Đối với những ngành nghề, công việc thông thường, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động.
Với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động cần báo trước ít nhất 45 ngày. Với hợp đồng có thời hạn từ 12 – 36 tháng, người lao động cần báo trước 30 ngày. Còn với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng, số ngày cần báo trước là ít nhất 3 ngày.
Người lao động có thể viết đơn hoặc email để thông báo trước về việc nghỉ làm và xin xác nhận của người quản lý hoặc bộ phận phụ trách.
PV: Một trong các quyền của người lao động được quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành chính là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy, người lao động nghỉ việc mà báo trước thì có cần công ty đồng ý không?
Bà Vũ Thuỳ Trang: Một trong các quyền của người lao động được quy định tại Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 chính là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Cùng với đó, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng ghi nhận trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 35 của Bộ luật này là một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.
Theo đó, pháp luật hoàn toàn tôn trọng quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động nếu người đó thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, người lao động khi nhảy việc chỉ cần chú ý về lý do nghỉ việc để xác định xem mình có cần phải thông báo trước cho công ty biết hay không. Nếu thuộc trường báo trước thì phải thực hiện cho đúng.
Khi đó, dù công ty có đồng ý hay không thì sự kiện người lao động nhảy việc vẫn được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật. Người lao động vẫn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.
PV: Vậy nếu chuyển việc đúng luật, người lao động sẽ nhận được những khoản tiền nào?
Bà Vũ Thuỳ Trang: Nếu đã nhảy việc đúng luật, người lao động có thể được nhận về 4 khoản tiền sau:
Tiền lương chưa được thanh toán: Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của mình, trong đó có số tiền lương của những ngày làm việc mà chưa được trả.
Thời hạn chi trả là 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp công ty chấm dứt hoạt động; thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; chia, tách, hợp nhất… thì được kéo dài thời hạn trả nhưng không quá 30 ngày.
Tiền trợ cấp thôi việc: Nếu đã làm việc thường xuyên cho công ty từ đủ 12 tháng trở lên, người lao động sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc.
Số tiền này thường được các công ty trả cùng với tiền lương khi người lao động chấm dứt hợp đồng.
Tiền phép năm chưa nghỉ hết: Mỗi năm, người lao động có từ 12 - 16 ngày phép tùy vào từng công việc nhất định. Tuy nhiên, tại thời điểm nghỉ việc mà chưa nghỉ hoặc nghỉ hết số ngày phép năm, người lao động sẽ được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Tiền trợ cấp thất nghiệp: Nếu nghỉ việc đúng luật, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động có thể làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lưu ý, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phải được gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng thì mới được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền trợ cấp.
Xin cảm ơn bà!