Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự án Luật BHXH (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức ở TP HCM mới đây, ông Andre Gama, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, cho rằng phần đông người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần là vì nhu cầu cấp thiết. Do vậy, nếu đột ngột thay đổi quy định theo hướng hạn chế rút BHXH một lần có thể dẫn đến tình trạng NLĐ ồ ạt rút một lần. "Việc điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần cần thực hiện từng bước, theo hướng giảm dần số tiền NLĐ được hưởng. Bên cạnh đó, cần cải thiện mức lương hưu, tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn để hỗ trợ NLĐ lúc khó khăn nhằm giảm nhu cầu rút BHXH một lần"- ông Andre Gama bày tỏ.
Trong khi đó, nhiều cán bộ Công đoàn đề xuất để tránh gây sốc cho NLĐ khi thay đổi chính sách, cần giữ nguyên quy định về rút BHXH một lần như hiện nay đối với nhóm NLĐ tham gia BHXH trước khi luật mới được ban hành. Với người tham gia BHXH sau khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, có thể cho phép họ rút phần đã đóng hoặc 50% số tiền đóng của NLĐ và đơn vị sử dụng lao động; số tiền còn lại sẽ cộng dồn vào thời gian tham gia sau đó của NLĐ để họ được hưởng chế độ hưu trí khi đủ điều kiện.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra một số bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh. Bạn đọc Thanh Tâm dẫn chứng: Theo Viện Công nhân và Công đoàn thì độ tuổi bình quân của NLĐ tại doanh nghiệp năm 2018 là 31.2, giảm 4.1 tuổi so với 2016, vậy lý do gì để BHXH đề nghị tăng tuổi hưu lên. Do đó, tôi cho rằng việc rút BHXH 1 lần không phụ thuộc việc tăng hay giảm thời gian đóng 15-20 năm mà chủ yếu nằm ở độ tuổi hiện tại của NLĐ. Một NLĐ bị sa thải ở độ tuổi 40 thì sẽ sống bằng gì trong 20-23 năm tiếp theo nếu họ không rút BHXH. Nếu nói những người không có lương hưu là gánh nặng thì BHXH cần công khai bao nhiêu người không đóng BHXH đang được lãnh lương từ quỹ BHXH tôi cho rằng không có ai cả bởi có đóng thì có lãnh".
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia BHXH là 5%-6%/năm. Trong đó, số người hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH chiếm gần 99% và chủ yếu là NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước (gần 91%).