- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Quy định số 212-QĐ/TW, ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư Trung trong Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện,
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XVI;
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Liên đoàn Lao động tỉnh như sau:
Điều 1. Chức năng
Các cơ quan chuyên trách của Liên đoàn Lao động tỉnh có chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác công đoàn; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác công đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan.
Điều 2. Nhiệm vụ
Tham mưu, giúp việc ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Điều lệ và Luật Công đoàn Việt Nam; chủ trương, nghị quyết, chương trình phối hợp, kế hoạch công tác của ban thường vụ, ban chấp hành theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và tổ chức công đoàn cấp trên; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
- Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo Điều lệ, Luật Công đoàn và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan.
- Hướng dẫn thực hiện Điều lệ, Luật Công đoàn và các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công, phân cấp.
- Sơ kết, tổng kết công tác công đoàn và các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo phân công, phân cấp.
- Thực hiện việc thu kinh phí, đoàn phí công đoàn và quản lý tài sản, tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật.
- Quản lý, điều hành, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ quan; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng công tác; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Đề xuất các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan chuyên trách công tác công đoàn.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do ban thường vụ, ban chấp hành công đoàn cùng cấp giao.
Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế
1. Về lãnh đạo
Liên đoàn Lao động tỉnh có Chủ tịch, có từ 02 đến 03 phó chủ tịch.
2. Các đơn vị trực thuộc Có 05 đơn vị trực thuộc, cụ thể:
2.1. Văn phòng
Tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh trong lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo hoạt động công đoàn các cấp và cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh. Tham mưu về tình hình công nhân, viên chức, lao động và công tác công đoàn. Trực tiếp quản lý tài sản và phối hợp với các ban đảm bảo phục vụ các hoạt động tại cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh. Là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh.
2.2. Ban Tổ chức - Kiểm tra
Nghiên cứu, tham mưu, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về công tác phát triển đoàn viên; xây dựng hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ công đoàn; hướng dẫn và tổ chức các hoạt động nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ công đoàn.
Giúp Ủy ban kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm tra do Ban Chấp hành thông qua. Chủ trì phối hợp với các ban và cùng các cơ quan liên quan giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Theo dõi, hướng dẫn việc giải quyết đơn thư khiếu tố của các cấp công đoàn.
2.3. Ban Tài chính
Tham mưu và giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế và đầu tư xây dựng cơ bản của Công đoàn theo quy định của pháp luật và tổ chức công đoàn. Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ban hành các quy định, hướng dẫn về thu, phân phối, sử dụng, quản lý ngân sách Công đoàn.
2.4. Ban Tuyên giáo - Nữ công
Nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh trong lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động; xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Tham mưu, hướng dẫn triển khai công tác tuyên giáo công đoàn; công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động; chính sách, pháp luật có liên quan đến nữ công nhân, viên chức, lao động; những vấn đề về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn; công tác cán bộ nữ và vì sự tiến bộ của nữ công nhân, viên chức, lao động.
2.5. Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động
Nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia, đề xuất với cấp uỷ đảng, cơ quan Nhà nước những nội dung có liên quan đến thực thi pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội, quan hệ lao động. Tham gia xây dựng pháp luật về lao động và Công đoàn, chế độ, chính sách đối với công nhân, viên chức, lao động. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước trong công nhân, viên chức, lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tổ chức triển khai công tác bảo hộ lao động. Hướng dẫn, chỉ đạo và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn. Hướng dẫn các hoạt động trợ giúp pháp lý, dạy nghề, giới thiệu việc làm, các hoạt động xã hội của công đoàn..
3. Biên chế
Biên chế cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định giao hàng năm.
Điều 4. Đơn vị sự nghiệp
1. Nhà Văn hoá Lao động tỉnh
1.1. Chức năng
Là trung tâm hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; trung tâm tập hợp, tuyên truyền giáo dục công nhân, viên chức, lao động; trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào cơ sở; nơi thu hút công nhân, viên chức, lao động, nhân dân vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hoá, thể thao lành mạnh.
1.2. Biên chế
Nhà Văn hoá Lao động là đơn vị tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Biên chế Nhà Văn hoá Lao động tỉnh được Liên đoàn Lao động tỉnh quyết định giáo hàng năm.
2. Trung tâm Tư vấn Pháp luật
2.1. Chức năng
Tư vấn pháp luật miễn phí cho đoàn viên công đoàn, người lao động kể cả đoàn viên công đoàn đã nghỉ hưu và công đoàn cơ sở, cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biển pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động, tổ chức công đoàn.
2.2. Biên chế
Trung tâm Tư vấn Pháp luật tiếp tục sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tự chủ về tài chính theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và thực hiện cắt giảm chi thường xuyên để thực hiện lộ trình tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên.
Điều 5. Tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức
1. Tiêu chuẩn chức danh
Theo khung năng lực vị trí việc làm do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phê duyệt
2. Cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức
Bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý theo vị trí việc làm được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phê duyệt.
Điều 6. Mối quan hệ công tác
1. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Liên đoàn Lao động tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về công tác chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ báo cáo đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Đối với Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh uỷ
Liên đoàn Lao động tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ công tác được giao.
3. Đối với Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh
Quan hệ giữa Liên đoàn Lao động tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp công tác.
4. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ; ban cán sự đảng đoàn; các sở, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh Là mối quan hệ phối hợp để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ công tác được giao.
5. Đối với huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; cơ quan chuyên trách của Liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố
5.1. Đối với huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ Quan hệ giữa Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện uỷ, thị ủy, thành uỷ, thị uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ là mối quan hệ phối hợp về công tác cán bộ và chỉ đạo phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.
5.2. Đối với cơ quan chuyên trách của Liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố
Liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị cấp dưới, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trực tiếp của Liên đoàn Lao động tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh căn cứ Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện; tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cơ quan, cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc.
3. Giao Ban Tổ chức Tinh uỷ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét sửa đổi, bổ sung.